Khu du lịch Tam Cốc Bích Động hiện có diện tích tự nhiên là 350,3 ha, nằm cách quốc lộ 1A 2 km, cách thành phố Ninh Bình 7 km, cách thành phố Tam Điệp 9 km. Chủ yếu khu vực nằm trên xã Ninh Hải (Hoa Lư). Khu du lịch Tam Cốc Bích Động gồm nhiều tuyến tham quan du thuyền, đi xe đạp và đi bộ nối khoảng gần 20 điểm du lịch.

Tam Cốc nghĩa là Ba hang còn có tên Xuyên Thuỷ động nằm ở xã Ninh Hải, Hoa Lư. Xa xưa vùng này là biển cả sóng vỗ qua nhiều thế kỷ bào mòn vào vách đá tạo nên những hình thù kỳ lạ.

Bích Động được mệnh danh là động đẹp thứ nhì trời Nam, sau động Hương Tích (Ảnh – Théo AB)

Năm 1773, cụ Nguyễn Nghiễm (thân sinh của đại thi hào Nguyễn Du) đã đến thăm động. Nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, bầu trời ở đây đều phủ một màu xanh ngợp mắt nên cụ đã đặt cho động một cái tên rất đẹp và mộng mơ “Bích Ðộng” (có nghĩa là Ðộng Xanh). Ðến đây du khách sau khi viếng thăm chùa, con thuyền nhỏ sẽ đưa du khách đi quanh co trong hang núi huyền ảo. Bích Ðộng đã được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì ở trời Nam).

Nên đi du lịch Tam Cốc Bích Động vào thời gian nào?

Tam Cốc mùa lúa chín (Ảnh – Lê Hồng Hà)

Tùy vào kế hoạch cá nhân mà các bạn có thể lựa chọn các thời điểm để đi du lịch Tam Cốc Bích Động cho phù hợp, tuy nhiên có một vài mốc thời gian như sau các bạn có thể tham khảo:

  • Có thể đi Tam Cốc Bích Động vào khoảng tháng 4, thời tiết lúc này đã tương đối khô, không còn cái nóng ẩm khó chịu đầu năm của miền Bắc nhưng cũng chưa quá nắng, thời tiết ít mưa nên 2 tiếng ngồi thuyền sẽ không phải là một cái gì đó quá khó chịu.
  • Khoảng từ tháng 1-3 âm lịch hàng năm là lễ hội chùa Bái Đính, các bạn có thể kết hợp đi lễ và khám phá Tam Cốc Bích Động vào dịp này.
  • Nếu muốn đi thêm cả Hoa Lư, hãy nhớ kỹ ngày 8-10 tháng 3 âm lịch hàng năm nhé, đây là thời gian diễn ra lễ hội Trường Yên.
  • Cuối tháng 5 đầu tháng 6 là mùa lúa chín trên cánh đồng Tam Cốc Bích Động, khi đó, hình ảnh ruộng lúa màu xanh xen lẫn ruộng lúa chín vàng sẽ tạo nên một bức tranh với những mảng màu tuyệt đẹp.

Hướng dẫn đi tới Tam Cốc – Bích Động

Chỉ cách Tp Ninh Bình khoảng 7km, nên các bạn có rất nhiều cách để có thể đến được với khu du lịch Tam Cốc Bích Động, nếu không có sẵn phương tiện cá nhân thì phương án đi phương tiện công cộng đến thuê xe máy là một trong những lựa chọn khá hấp dẫn.

Đi tới Ninh Bình

Đường bộ

Với đường cao tốc, từ Hà Nội đi Ninh Bình giờ chỉ mất khoảng 1h đồng hồ (Ảnh – VEC)

Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng, có 9 quốc lộ (trong đó có 6 quốc lộ khởi đầu và 3 quốc lộ đi qua) dàn đều trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh nên phương tiện thuận lợi nhất để đến với Ninh Bình chính là thông qua hệ thống giao thông đường bộ.

Phương tiện công cộng

Các tuyến xe đi Ninh Bình từ Hà Nội đều xuất phát từ bến xe Giáp Bát và kết thúc ở bến xe trung tâm Ninh Bình. Do Tp Ninh Bình cũng nằm ngay sát trên trục QL1A nên ngoài các tuyến xe này, các bạn có thể sử dụng bất cứ một tuyến xe nào khác từ Hà Nội đi vào các tỉnh miền Trung hay miền Nam (hãy lựa chọn các tuyến xe Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh… vì các tuyến này số lượng nhiều, chạy khá liên tục)

Phương tiện cá nhân

Nếu sử dụng phương tiện ô tô, từ Hà Nội các bạn có thể đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, với khoảng cách khoảng 90km chỉ mất khoảng 1 tiếng các bạn sẽ tới được trung tâm Tp Ninh Bình, từ đây đi tới các địa điểm du lịch trong tỉnh hầu như không quá 30km.

Nếu sử dụng phương tiện xe máy, từ Hà Nội các bạn đi theo đường QL1A cũ qua Hà Nam rồi đi theo hướng Ninh Bình Thanh Hóa. Chú ý là tránh không đi nhầm sang phía hướng Nam Định – Thái Bình để đỡ vòng vèo.

Đường sắt

Ga Ninh Bình hiện tại cũng đã được nâng cấp khá nhiều (Ảnh – Tran Quang Thuy)

Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Chính vì vậy, các bạn dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể dễ dàng đến với Ninh Bình bằng các chuyến tàu Thống Nhất.

Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE1 (19h30) đến Ninh Bình lúc 21h46, tàu SE3 (22h00) đến Ninh Bình lúc 0h10, tàu SE5 (9h00) đến Ninh Bình lúc 11h21, tàu SE7 (6h00) đến Ninh Bình lúc 8h22 và tàu SE19 (20h05) đến Ninh Bình lúc khoảng 23h.

Nếu xuất phát từ Sài Gòn, các chuyến tàu đều đến Ninh Bình hầu hết vào giờ khá muộn, chuyến tàu duy nhất phù hợp mà các bạn nên đi là SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 6h00 và đến Ninh Bình lúc 13h15 ngày hôm sau.

Từ Ninh Bình đi Tam Cốc Bích Động

Từ trung tâm Tp Ninh Bình đến khu du lịch Tam Cốc Bích Động khá gần, nếu đơn giản các bạn chỉ muốn đến đây rồi về thì có thể thuê taxi hoặc xe ôm, với nhóm khoảng 4 người thì tính ra chỉ khoảng vài chục k tiền taxi thôi.

Nếu muốn kết hợp để đi nhiều điểm du lịch khác ở Ninh Bình, các bạn hãy lựa chọn phương án thuê xe máy ở Ninh Bình rồi đi theo một lịch trình vòng cung đi tất cả các điểm, cơ bản là cũng không quá xa nhau đâu.

Lưu trú tại Tam Cốc Bích Động

Khu vực Tam Cốc Bích Động là một trong những địa danh du lịch có khá nhiều homestay ở Ninh Bình (Ảnh – Trung Anh)

Vì khoảng cách giữa Hà Nội và Ninh Bình khá gần nên bạn hoàn toàn có thể đi và về trong ngày. Tuy nhiên, nếu muốn ở lại qua đêm để kết hợp tham quan những điểm khác ngoài Tam Cốc thì ở Ninh Bình cũng có rất nhiều khách sạn cho bạn lựa chọn.

Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động có hệ thống khách sạn và homestay và đầy đủ khá tốt. Khách sạn tập trung nhiều ở khu bến thuyền Tam Cốc, làng quần thể du lịch Ninh Bình và trên tuyến đường từ Tam Cốc tới Bích Động.

Các địa điểm đẹp khi du lịch Tam Cốc Bích Động

Khách du lich khi đi tham quan Tam Cốc chỉ có một con đường thuỷ duy nhất, vào ra mất khoảng trên dưới 2 giờ đồng hồ. Đến đình Các ở thôn Văn Lâm, ra bến sông Ngô Đồng – con đường thủy dẫn vào Tam Cốc.

Các tuyến du lịch bằng thuyền

Tam Cốc

Để khám phá Tam Cốc, phương tiện duy nhất là sử dụng đò (Ảnh – conma_trongcaica)

Tam Cốc, có nghĩa là “ba hang”, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến du thuyền được khai thác đầu tiên ở khu du lịch Tam Cốc – Bích Động.

  • Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng.
  • Hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ
  • Hang Ba, gần hang Hai, dài 50 m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia

Muốn thăm Tam Cốc, du khách xuống thuyền từ bến trung tâm. Thuyền đưa du khách trên dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi, hang xuyên thuỷ, cánh đồng lúa. Thời gian đi và trở lại khoảng 2 giờ. Phong cảnh Tam Cốc, nhất là 2 bên dòng sông Ngô Đồng có thể thay đổi theo mùa lúa (lúa xanh, lúa vàng hoặc màu bạc của nước trên cánh đồng).

Đền Thái Vi

Đền Thái Vi (Ảnh – Евгений Кожемякин)

Đền Thái Vi là nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Trần Thị Dung. Xưa vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần về đây dựng hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Có thể đi bộ đến đền Thái Vi từ hành trình Tam Cốc hoặc theo đường bộ cách bến thuyền Tam Cốc 2 km.

Động Thiên Hương

Động Thiên Hương nằm trên đường từ sông Ngô Đồng vào đền Thái Vi, là một động khô và sáng nằm ở lưng chừng núi có độ cao so với mặt đất khoảng 15 m. Động có chiều cao khoảng 60 m, sâu 40 m, rộng 20 m. Đỉnh động rỗng nên động còn có tên là Động Trời. Nằm gọn trong động là miếu thờ bà Trần Thị Dung, vợ vua Lý Huệ Tông. Là một người đã truyền cho nhân dân xã Ninh Hải nghề thêu ren.

Bích Động

Bích Động có nghĩa là động xanh (Ảnh – B fansi)

Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là “động xanh”, là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773. Đây là một trong những thắng cảnh nằm trong nhóm được người xưa gọi là “Nam thiên đệ nhất động”, cụ thể Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” tức động đẹp thứ nhì trời Nam [đứng sau động Hương Tích (Nam thiên đệ nhất động) ở Hương Sơn và đứng trước động Địch Lộng (Nam thiên đệ tam động) ở Kẽm Trống]. Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi (làm chùa Bích Động) và một hang động nước đâm xuyên qua lòng núi (gọi là Xuyên Thủy Động). Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa.

Xuyên Thủy Động

Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước nằm dọc theo chiều dài khối núi Bích Động. Xuyên Thủy động như 1 đường ống hình bán nguyệt bằng đá dài khoảng 350 m uốn lượn từ phía Đông sang phía Tây. Bình quân bề rộng của Xuyên Thủy động là 6m, chỗ rộng nhất là 15 m. Trần và vách động thường bằng phẳng, tạo hoá như xếp từng phiến đá lớn thành mái vòm cung, bán nguyệt với muôn hình vạn trạng.

Lối vào Xuyên thủy động ở phía sau núi, đối diện với đường vào chùa Bích Động. Tại điểm kết thúc hành trình xuyên thủy động, du khách có thể leo núi để tới động và chùa Bích Động.

Động Tiên

Động Tiên là động khô đẹp của khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Động nằm cách chùa Bích Động gần 1 km. Phạm vi động gồm có ba hang lớn, rộng và cao. Trần động có nhiều vân đá, nhũ đá rủ xuống lấp lánh nhiều màu sắc trông như những rễ cây lớn. Trên trần có nhiều dơi và chim cư trú. Đứng từ bên ngoài nhìn động như một lâu đài tráng lệ. Các biến đổi của tự nhiên tạo nên những hình dáng kỳ thú của nhũ đá trong động với hình thù là cây tiền, cây thóc, ông tiên, cô tiên, con voi, con sư tử, con hổ, con kỳ đà, con rồng, con đại bàng, và cả những đám mây bay lượn nhiều màu sắc. Những khối đá trong động khi gõ vào sẽ tạo ra nhiều loại âm thanh rất lạ.

Chùa Linh Cốc

Lối vào chùa Linh Cốc (Ảnh – Nguyen Dinh Cuong)

Chùa Linh Cốc nằm trong núi chùa Móc. Chùa quay hướng tây, phía trước là một cánh đồng nước. Theo văn bia đặt ở chùa, Linh Cốc có từ triều vua Trần Thánh Tông. Sân chùa rộng ở ngay chân núi, hai bên sân có nhà thờ tổ. 3 gian quay hướng tây bắc, đặt tượng thờ thánh tăng là đức A Nam Đà và đức tổ tây, mũi cao, tóc quăn, râu quai nón là người Ấn Độ. Nhà trai 5 gian, quay hướng đông nam.Điện Mẫu quay lưng vào sườn núi, hướng tây nam, xây dựng theo kiểu chữ ” Tam”. Hậu cung là một gian thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm: Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh. Thiêu hương gồm 3 gian thờ Công Đồng Thánh Mẫu, Tiền Đường 5 gian, gian cuối bên tay trái có treo quả chuông.

Các điểm du lịch đường bộ

Chùa Bích Động

Chùa Bích Động (Ảnh – B fansi)

Chùa Bích Động vốn được hình thành từ năm 1428, đầu thời Hậu Lê với quy mô là một ngôi chùa nhỏ ở trên đỉnh núi. Năm 1705, có hai vị hoà thượng Trí Kiên và Trí Thể quê huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa làm anh em. Hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành. Năm 1707, hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối.

Chùa Hạ

Chùa Hạ (Ảnh – Bui Ha)

Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc cũng bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Các cột đá ở chùa hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m, làm được những cột đá như thế là một kỳ công.

Tại chùa Hạ, một bức Đại tự bằng chữ Hán ở chính giữa có ghi “Thanh thản cổ mộ; để nói lên cái tâm chính của chùa là thanh bạch từ xưa đến nay. Trên cùng là tòa tam thế. Ba bức tượng đại diện cho ba đời chư Phật. Kế đến là bộ tượng Tây Phương Tam Thánh, ngồi chính giữa là đức Phật Di Đà, bên phải là Quan Âm Bồ Tát, bên trái là Đại Thế Chí Bồ Tát.

Vị ngồi hàng thứ ba là Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Hàng thứ tư là tượng Thích Ca sơ sinh. Tám vị tướng mặc võ phục đứng bên phải là Bát Đại Kim Cương, đứng bên trái là đại diện cho tứ trực công tào – khuyến làm việc thiện, trừng trị cái ác, coi xét việc nhân quả ở cõi người. Cuối cùng là ba vị ngồi bên trái là Chí Kiên, Chí Thể và Chí Tâm – ba vị đại sư đã có công thành lập và xây dựng nên chùa Bích Động. Hai tượng bên ngoài là Nam Tào – Bắc Đẩu, coi xét sổ sanh tử. Tấm bia lớn bằng đá bên phải là tên những người đóng góp xây dựng chùa Bích Động.

Chùa Trung

Chùa Trung và Động Tối (Ảnh – Drew Nichols)

Từ chùa Hạ bước lên 120 bậc theo đường hình chữ S tới lưng chừng dãy núi Ngũ Nhạc là chùa Trung. Ngay phía trước là hai chữ Bích Động tạc vào vách núi. Đây là một chùa rất độc đáo, ít nơi có được, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa có 3 gian thờ phật. Lễ Phật xong ở Thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, thiên nhiên đã miệt mài bao đời chau chuốt tỉ mỉ vô cùng tinh tế sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên những ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục…

Chùa này đã trải qua ba thời kỳ có tên khác nhau: thời kỳ đầu (1428) có tên là chùa Động, đến 1740, đời vua Lê Hiển Tông, chùa này được mở mang, xây dựng thêm và được đặt tên là: Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng. Đến thế kỷ 19 dưới thời vua Tự Đức được đặt tên là chùa Bích Động. Phía trên của mái chùa có mười chữ Hán màu vàng là: Già Lam Thần Đại Hùng Bảo Điện Nam Thiên Tổ – nghĩa là tất cả các vị sư tổ ở trời Nam này đều xuất phát từ chùa Bích Động ra đi. Về mặt bài trí ở chùa Trung, Phật Thích Ca Mâu Ni có cửu long phù giá. Hai tượng ngồi phía ngoài là Vân Thù Bồ Tát, bên trái là Phổ Hiền Bồ Tát, bên trong chính cung là tượng thờ A-nan-đà tôn giả, còn được gọi là Đức Thánh hiền v.v… ở chùa Trung còn có đường lên Động Tối. Ngay trước cửa động, một chiếc chuông đồng cổ kính với những đường nét chạm trổ rất tinh xảo. Nhìn ra phía ngoài là cầu Giải Oan. Hầu hết khách qua đây thường “thỉnh” lên ba tiếng chuông ngân nga như để “giải oan” cho tâm hồn mình ở nơi cửa Phật được thanh thản.

Trong động có ba pho tượng đá sừng sững uy nghi. Chính giữa là đức Phật Di đà, bên phải là Vân Thù Bồ Tát, bên trái là Quan Âm Bồ Tát, tượng Lão Thọ bằng đá được thờ trong một am nhỏ.

Động Tối

Từ chùa Trung lên cao khoảng 6 m là đến Động Tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, dài, hơi chếch về phía đông. Nếu động chứa chùa Trung là tầng một của ngôi nhà cao 6 mét thì Động Tối là tầng 2 cao đến 8 mét. Đường lên Động Tối gần thẳng đứng, đi dưới cầu giải oan, vì cửa động có hình như cầu vồng. Bên trên cửa động có treo chiếc chuông đồng lớn được hai vị sư Trí Kiên và Trí Thể đúc vào năm 1707. Động Tối là một không gian dài, rộng có điện thắp sáng. Tất cả như một thế giới cổ tích bị hoá đá của tạo hoá. Ra gần cửa Động Tối trước mặt du khách là tượng Đức Phật Di Đà, tượng Văn Thù Bồ Tát. Bên trái là Quan Âm Bồ Tát. Ra đến gần cửa động, bên tay trái du khách là một hang nhỏ, trên cao thờ Quan Thế Âm Bồ Tát.

Dưới nền hang nhỏ này có nhũ đá giống như hình con rùa và đặc biệt có hai khối đá kỳ lạ, gõ vào kêu như tiếng mõ, một hòn nghe tiếng trầm, một hòn nghe tiếng thanh. Động Tối cũng là chùa thờ Phật. Đó là ngôi chùa thiên tạo.

Chùa Thượng

Chùa Thượng (Ảnh – Robert Mik)

Lên chùa Thượng, du khách phải bước tới gần 40 bậc đá theo sườn núi. Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, chùa thờ Quan Âm Bồ Tát. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Từ chùa Thượng nhìn ra xa có 5 ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Động, trông giống như 5 cánh hoa Sen, gọi là Ngũ Nhạc Sơn, gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa.

Bích động là một ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không nơi nào có thế đất, thế núi như vậy. Chùa Thượng có hai miếu hai bên: bên phải thờ Thổ Địa, bên trái thờ Đức Sơn Thần. Cạnh chùa có một bể nước gọi là “bể nước Cam Lộ” của Quan Âm Bồ Tát. Phía trước là cánh đồng Ngũ Môn. Đứng trên chùa Thượng có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ cảnh đẹp của chùa Bích Động, không những đẹp về phong cảnh duyên dáng hữu tình, về nghệ thuật văn hóa- kiến trúc, mà nơi đây còn mang ý nghĩa là một di tích lịch sử của tỉnh Ninh Bình.

Làng Việt Cổ – Cố Viên Lầu

Bản đồ các ngôi nhà cổ ở Cố Viên Lầu (Ảnh – langvietco.com)

Cố Viên Lầu là một trong các điểm du lịch nằm trong vùng đệm của Quần thể di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình. Cố Viên Lầu là khu nhà cổ gồm nhiều ngôi nhà cổ được sưu tầm chủ yếu tại Ninh Bình và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Năm 2008, khu nhà cổ Cố Viên Lầu được ngành Văn hóa – Du lịch Ninh Bình bổ sung vào khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Cố Viên Lầu nằm ngay cạnh bến thuyền Tam Cốc và bên đường đi đền Thái Vi.

Cố Viên Lầu có diện tích khoảng 20.000 m²,trưng bày 22 ngôi nhà cổ ở nhiều làng quê đồng bằng Bắc Bộ, bên trong các ngôi nhà có trưng bày nhiều dụng cụ như:tràng kỷ, sập gụ, tủ chè,…Những ngôi nhà cổ ở Cố Viên Lầu chủ yếu được xây dựng từ thời nhà Nguyễn trở lại đây nhưng cũng thể hiện được nét văn hóa độc đáo và đặc trưng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Nhà cổ Lưu Phương

Nhà cổ Lưu Phương được sưu tầm tại xã Lưu Phương – Kim Sơn – Ninh Bình. Nhà có diện tích 90 m2, kiến trúc 5 gian 2 trái, bên trên được lợp bằng ngói vẩy cá, nền được lát bằng gạch đỏ một loại gạch được làm thủ công, mang tính nghệ thuật cao. Tính đến nay ngôi nhà cổ này đã có trên 100 năm tuổi,

Toàn bộ nhà được làm từ gỗ xoan rừng của Thanh Hoá. Những hoạ tiết hoa văn đều được đục văn khéo léo và tinh xảo của những nghệ nhân giàu kinh nghiệm. Phía trên ngôi nhà được làm theo kiểu chồng rường, hạ mê, được đục trạm để đỡ lấy thượng lương xuyên suốt cả năm gian.

Ngôi nhà này hiện nay đang là quầy lễ tân phục vụ khách tham quan và tiện cho công tác quản lý. Nó cũng được dùng làm văn phòng quản lý và cũng là nơi nghỉ chân của du khách. Đây cũng là nơi trưng bày một số tranh ảnh có liên quan đến cổ vật, cũng như những hình ảnh của khu du lịch Cố Viên Lầu.

Nhà cổ Ý Yên

Nhà cổ Ý Yên được xây dựng năm 1883, sưu tầm tại huyện Ý Yên, Nam Định. Nhà là nơi trưng bày bộ sưu tập đời Lý thế kỷ 12 – 13 gồm: đĩa, bát, âu, thạp men ngọc, men nâu, men tam thái… Mỗi chủng loại cùng niên đại được bày trong một tủ, nhưng dáng kiểu, to, nhỏ khác nhau thể hiện sự sáng tạo phong phú của người thợ thủ công một thời.

Nhà cổ Thọ Xuân

Nhà cổ Thọ Xuân trưng bày bộ sưu tập chóe rồng thời Gia Long (1802) với hơn 100 chiếc không giống nhau, có chiếc độc nhất vô nhị trên thương trường. Nhà cổ Thọ Xuân vốn là ngôi nhà của một thầy mo ở Thanh Hóa gần 200 năm tuổi. Khi mang về đây, những người thợ không thể lắp ráp được. Chỉ đến khi trực tiếp ông thầy cúng ra tay tháo bùa ở trần nhà thì mới lắp ghép lại được.

Nhà cổ Thọ Xuân có diện tích sử dụng là 111.7m2. Nhà được làm theo kiến trúc “hiên tiền cổ ngỗng xà đùi bảy bóng”. Kết cấu gồm 3 gian, 2 dĩ và 2 nhà ngang. Tổng thể mặt bằng hình chữ môn. Vật liệu chủ yếu cất dựng nhà là gỗ xoan Thanh Hoá. Ngôi nhà có kiến trúc mái rất đặc biệt, cũng được lợp bằng ngói vẩy cá nhưng 4 góc mái được làm những tàu đao cong vút bay bổng, tạo nên sự mềm mại và nét đặc sắc cho ngôi nhà. Trong nhà ngoài các nội thất được bày theo phong cách cổ thì còn trưng bày bộ sưu tập choé rồng với 100 chiếc, chiếc cao nhất là 65 cm, chiếc nhỏ nhất 25 cm, đây là bộ sưu tập lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Nhà cổ Khánh Hòa

Nhà cổ Khánh Hòa là ngôi nhà duy nhất được giữ nguyên cấu trúc của nhà Đại khoa, có trên 100 năm tuổi. Bên trong ngôi nhà được làm từ gỗ và đá này còn trưng bày hoành phi câu đối, tủ chè, sập gụ và bộ sưu tập đồ sứ có từ thế kỷ 18-19.

Ngôi nhà được sưu tầm ở xã Khánh Hoà, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Với diện tích 103,6 m2, kiến trúc nhà theo lối “hiên tiền cổ ngỗng”, tổng thể kiến trúc hình chữ “môn” gồm 3 gian, 2 dĩ, 2 trái. Các hoạ tiết trong nhà được đục chạm tinh xảo có giá trị nghệ thuật cao. Nhà có sự phối kết hợp giữa đá và gỗ, mang đậm nét văn hoá nhà cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tại ba gian nhà ngoài được trưng bày nội thất trên là hoành phi câu đối, dưới là tủ chè, sập gụ và bộ sưu tập đồ sứ có từ thế kỷ 18 -19.

Làng cổ nông thôn

Trong làng Việt cổ – Cố Viên Lầu có cả một góc giới thiệu về nét đặc trưng của làng cổ nông thôn Việt Nam xưa. Đặc biệt ngôi nhà đất, được phục chế nguyên bản từ ngôi nhà cổ mang hình ảnh kiến trúc nhà của tầng lớp bần nông nông dân Việt Nam đầu thế kỷ 19. Khác với cầu kỳ của nhà gỗ, là khu nhà đất ba gian chính và hai gian buồng, mái bằng lá, nền đất sét, vật liệu chủ yếu của những nhà này là đất, rơm rạ, kết hợp với tre, luồng. Nhà có một cửa chính và hai cửa sổ bằng tre. 3 gian chính kê chõng tre, rường ổ. Trong sân là đụn rơm cao ngất, một chiếc chum đựng nước, một chiếc đơm đặt cá, chiếc cối đá. Bao quanh là rào tre thưa thớt, một vườn rau… những dụng cụ gia đình cũng như dụng cụ nhà nông đặt ở hiên nhà.

Đình cổ Thanh Liêm

Đình cổ Thanh Liêm, được sưu tập tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nằm tại trung tâm của làng Việt cổ Cố Viên Lầu với diện tích hơn 100m2. Trên mái là những đầu đao cong vút – nét đặc trưng trong kiến trúc đình làng. Ngoài lớp ngói vảy cá phía trên, bên dưới được trải lớp ngói chiếu mang hình chữ “Thọ”. Chống đỡ mái đình là 28 cột lim đường kính 75 – 85 cm được kê trên những tảng đá xanh chống ẩm thấp và xâm nhập của mối mọt. Trên những thớ gỗ được các nghệ nhân tài ba đục, chạm những đường nét hoa văn tinh xảo, sống động mà chủ yếu là những bức tranh bốn mùa mang đầy ý nghĩa như: Tùng – Lộc với ý nghĩa vững mạnh lâu dài. Hiện đình là nơi giao lưu của du khách đến Cố Viên Lầu… Đình làng – dấu ấn quen thuộc của mỗi người dân Việt.

Thạch Bích – Thung Nắng

Thuyền đưa khách đi dạo Thung Nắng (Ảnh – justinle8x)

Bắt đầu từ bến thuyền Đình Các (Tam Cốc), đi khoảng hơn 500 mét đường bộ là đến bến thuyền Thạch Bích để đi Thung Nắng. Vượt qua một quãng đường thuỷ với hai bên là đồng lúa rì rào, núi non trùng điệp, qua đền Vối. Tiếp tục hành trình, các bạn sẽ được ngắm thung nắng với một vùng trời mây, non nước bao bọc xung quanh. Với khoảng 3 km đường thuỷ đi bằng thuyền các bạn sẽ đến với nhiều huyền thoại như núi Ba Dọi, Núi Cóc, núi Măng, núi Vàng… Thuyền đưa qua hang Thung Nắng dài khoảng 100 m là đền Thung Nắng. Đền được xây dựng trong một không gian tĩnh lặng, lưng đền dựa vào thế núi linh thiêng là nơi thờ Chúa thượng ngàn.

Sau khi thăm Thung Nắng xong trên đường quay ra tới bến Cây Gạo các bạn sẽ tới thăm đền Vối. Đền Vối có cách đây hàng trăm năm, được xây dựng bằng đá, với các đồ thờ bằng đá được chạm khắc công phu, tỉ mỉ. Đền Vối có từ thời nhà Lê thờ ông Lý Đông Hải là quan chấn trạch sơn lâm.

Vườn chim Thung Nham

Thung Nham thực chất là một khu du lịch sinh thái với nhiều địa điểm vui chơi và nghỉ dưỡng (Ảnh – hachi print)

Khu du lịch Thung Nham – Vườn chim là một tuyến du ngoạn sinh thái thuộc quần thể danh thắng Tràng An, mới hơn so với Tam Cốc. Khu du lịch này nằm tại thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách chùa Bích Động khoảng 5 km về phía Tây với các điểm tham quan chính là động Vái Giời, động Tiên Cá và thung Chim.

Động Thiên Hà

Nhũ đá trong lòng động Thiên Hà (Ảnh – dihimi)

Động Thiên Hà nằm trong dải núi Tướng với độ cao gần 200m là một phần của bức tường thành thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ phía tây nam kinh đô Hoa Lư thế kỷ thứ X, gắn liền với những địa danh lịch sử, văn hoá như Bến thuyền Nhà Lê, Núi Phật Đầu Sơn, Thửa Ruộng Đấu Lính…

Từ bản Mường Thổ Hà, xã Sơn Hà, các bạn xuống thuyền trên dòng kênh nhỏ có chiều dài chừng 1 km xen giữa cánh đồng quê. Du khách tiếp tục bộ hành trên con đường đá dài 500m ven chân núi Tướng để tới cửa động. Động có chiều dài 700m bao gồm động khô dài 200m và động nước dài 500m. Những hình dáng do đá núi tạo ra được gọi tên như: đây là chú Cáo Lỗ đang chén mồi, kia là Voi phục, Hổ rình mồi, khỉ leo cây… cao hơn có khám thờ với hình ảnh Đức Phật, thầy Đường Tăng đang tụng kinh cầu an cho các đồ đệ… tất cả đều gợi trí tò mò, khám phá của du khách

Hang Múa

Hang Múa, một địa điểm du lịch rất được các bạn trẻ quan tâm trong thời gian gần đây (Ảnh – olegovitsj)

Thuộc địa phận thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân. Đây là khu du lịch nhân tạo với các dịch vụ như leo núi, nghỉ ngơi cuối tuần và hội nghị. Hang Múa đã được kết nối với Tam Cốc theo tuyến du lịch tham quan: Bến Cây Đa – Bến Thánh – Hang Cả – Hang Múa – Hang Hai – Hang Ba – Suối Tiên – Khu Du lịch Hang động Tràng An. Tương truyền, hang Múa là nơi biểu diễn văn nghệ, múa hát của các cung nữ thời nhà Trần trước đây.

Ăn gì khi du lịch Tam Cốc Bích Động

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy Ninh Bình, đặc sản nổi tiếng cùng thịt dê (Ảnh – jessjamesjo)

Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô,một trong những món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.

Thịt dê núi Ninh Bình

 

Thịt dê núi Ninh Bình (Ảnh – tieu_panda)

Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Một số nguyên liệu và đặc sản sở tại khác cũng góp phần làm nổi bật các món thịt dê Ninh Bình phải kể đến các loại rau ăn kèm đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.

Ốc núi Ninh Bình

Ốc núi Ninh Bình thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá, rễ cây rừng. (Ảnh – _beo.iu.____)

Loài ốc núi Ninh Bình này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 ốc núi mới bò ra tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi có ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan, Hoa Lư. Ốc núi rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm mà bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.