Tương đồng trong khác biệt
Bằng nhiều nỗ lực, vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực xây dựng chương trình, đấu nối và tạo được sự liên kết, hợp tác trong lĩnh vực du lịch với nhiều địa phương trong cả nước. Điển hình là các chương trình hợp tác du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung: Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình; Thanh Hóa – Đà Nẵng – Quảng Nam; Thanh Hóa – Ninh Bình – Quảng Ninh; Thanh Hóa – TP Hồ Chí Minh; Thanh Hóa – Đồng bằng Sông Cửu Long; Thanh Hóa – Hủa Phăn (tour du lịch Quan Sơn – Viêng Xay); Thanh Hóa – các tỉnh Đông Bắc Thái Lan… Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam như Saigontourist, Vietravel… trong việc quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực và thu hút du khách về với Thanh Hóa.
Pù Luông – điểm đến hấp dẫn khách du lịch
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, chương trình hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh Quảng Ninh – Ninh Bình – Thanh Hóa, đã được tỉnh Thanh Hóa xúc tiến và tổ chức trang trọng tại Quần thể nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn. Chương trình đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của đại diện lãnh đạo các tỉnh bạn, cũng như cộng đồng doanh nghiệp 3 địa phương. Tại hội nghị bàn thảo nội dung và cách thức hợp tác, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, liên kết, hợp tác đang là xu hướng tất yếu trong du lịch. Do đó, sáng kiến hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa – Ninh Bình – Quảng Ninh trong bối cảnh hiện nay là hết sức thiết thực và ý nghĩa. Việc hợp tác này có thể mang lại nhiều kết quả khả quan nếu các bên đều triển khai thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và trách nhiệm. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, khả năng hợp tác của 3 tỉnh trước hết dựa vào lợi thế chung là các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, bao gồm Vịnh Hạ Long, Tràng An và Thành Nhà Hồ. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và kết nối dòng sản phẩm chủ lực là du lịch di sản thế giới qua 3 tỉnh.
Rõ ràng là, dựa vào nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, đặc biệt là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với nhiều di tích – danh thắng tầm cỡ quốc gia và quốc tế, 3 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Ninh Bình đang có nhiều lợi thế to lớn để có thể bắt tay hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, cả 3 tỉnh đều có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ và đa dạng, gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Đồng thời, nhờ thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, nên cả 3 tỉnh đều có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối tốt, với nhiều cơ sở lưu trú quy mô, hiện đại, có khả năng đón và phục vụ khách du lịch từ trung đến cao cấp. Dựa trên những lợi thế hay điều kiện lý tưởng đó, cả 3 tỉnh có thể liên kết để phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng, như du lịch văn hóa – di sản, du lịch nghỉ dưỡng biển – đảo, du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng, du lịch hội nghị – hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp thể thao mạo hiểm…
Nếu tương đồng là yếu tố cần cho sự liên kết, thì khác biệt sẽ là điều kiện đủ để sự hợp tác trong du lịch đạt được kết quả như mong muốn. Sự tương đồng tạo ra mối liên hệ cần thiết và các dòng sản phẩm chủ đạo; còn khác biệt hay các yếu tố riêng có đến từ dịch vụ, môi trường, cảnh quan, tập quán văn hóa… sẽ tạo ra sự trải nghiệm đa dạng, độc đáo, tránh nhàm chán và hấp dẫn du khách. Chẳng hạn, cùng là du lịch di sản, nếu du khách đến Vịnh Hạ Long có thể chọn thuê tàu để đến thăm các hòn đảo, hang động đã được xây dựng thành lịch trình hay các tuyến cụ thể. Hoặc có thể trải nghiệm tour ngủ đêm trên Vịnh bằng du thuyền, để được câu mực đêm, ngắm bình minh và hoàng hôn, tắm biển, chèo thuyền kayak.
Khi về Tràng An, du khách sẽ được di chuyển bằng thuyền để tham quan các di tích, hang động, núi non. Đồng thời, được các “hướng dẫn viên” địa phương là chính những người chèo thuyền giới thiệu cảnh quan di sản, đời sống dân cư và các hình thức để được trải nghiệm di sản một cách tốt nhất. Còn nếu về Thành Nhà Hồ, du khách sẽ có được sự trải nghiệm khá thú vị trên chính đôi chân của mình. Sự thú vị ấy đến từ một cam kết chắc chắn rằng, mỗi bước chân đặt trên mặt đất, là du khách đang đặt lên kho tàng di sản vô giá hơn 600 năm, vẫn còn ẩn tàng sâu trong lòng đất. Dẫu chưa hút khách như Vịnh Hạ Long hay Tràng An; song, Thành Nhà Hồ vẫn có được sức hấp dẫn riêng và nó ví như một khoảng trầm cần thiết, sau chuỗi ngày trải nghiệm đầy sôi động của du khách tại Quảng Ninh và Ninh Bình.
Tạo cầu nối, thúc đẩy doanh nghiệp
Liên kết, hợp tác trong lĩnh vực du lịch, nếu chỉ dừng lại ở việc xây dựng sản phẩm và kết nối điểm đến, sẽ là chưa đủ. Tại hội nghị hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh Thanh Hóa – Ninh Bình – Quảng Ninh, đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Việc kết nối và xây dựng chương trình hợp tác du lịch với những địa phương có kinh tế du lịch nằm trong top đầu cả nước, là cơ hội tốt để tỉnh Thanh Hóa tham vấn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch. Đặc biệt là kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước, định hướng phát triển ngành du lịch, xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực… là vô cùng hữu ích đối với tỉnh Thanh Hóa. Để việc hợp tác giữa 3 tỉnh Thanh Hóa – Ninh Bình – Quảng Ninh đi vào chiều sâu, thực chất, bền vững và hiệu quả, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần bắt đầu từ việc tạo dựng hành lang pháp lý. Từ đó, vừa là cơ sở cho việc hợp tác giữa các địa phương, vừa tạo nền tảng cho sự liên kết giữa các doanh nghiệp.
Trong hợp tác phát triển du lịch, vai trò của chính quyền các địa phương là đặt nền móng, là định hướng, là tạo cầu nối, là hỗ trợ. Còn kết quả hợp tác đến đâu, lại được phản ánh qua sự kết nối giữa các đơn vị, các doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và phát huy vai trò của các hiệp hội du lịch, vừa là giải pháp, vừa là nội dung quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Điều này đã được đại diện lãnh đạo các địa phương nêu lên trong hầu hết các hội nghị về liên kết du lịch. Bởi lẽ, doanh nghiệp là một trong những nhân tố quyết định đến khả năng thu hút khách; cũng như mang đến sự hài lòng và ấn tượng đẹp cho du khách, bằng các dịch vụ ăn, nghỉ, giải trí, mua sắm chất lượng. Đồng thời, doanh nghiệp lữ hành cũng là đối tác mua các sản phẩm du lịch được địa phương chào bán, để bán lại cho du khách. Nói cách khác, họ đóng vai trò tích cực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch đến du khách.
Qua 1 ngày đêm nghỉ ngơi, thăm thú tại bản Đôn (huyện Bá Thước), với tư cách một khách du lịch, chị Hoàng Thị Chi (Trưởng Phòng Nội địa, Saigontourist Quảng Ninh) đã có được nhiều trải nghiệm khá thú vị. Song, dưới con mắt của người làm kinh doanh lữ hành, chị Chi cho rằng, để doanh nghiệp đưa khách về Thanh Hóa, bên cạnh hạ tầng giao thông thuận lợi, thì cơ sở vật chất du lịch và các sản phẩm bổ trợ khác, sẽ là điều kiện tiên quyết. Du khách khi tham khảo một sản phẩm du lịch, thường đặt ra các câu hỏi, đại loại như: Điểm đến đó có gì đẹp, có gì hấp dẫn? Thức ăn có ngon không? Khách sạn/nhà nghỉ có tốt không? Có nơi vui chơi cho trẻ em không? Có nơi giải trí hay mua sắm không? Môi trường có sạch sẽ, an toàn không? Giá cả thế nào?… Dựa trên mong muốn, nhu cầu của du khách, đơn vị lữ hành sẽ có sự tư vấn, định hướng giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Muốn đi nhanh phải đi cùng nhau – đang trở thành một phương châm hành động, hay một slogan tạo ra sự kết nối giữa các địa phương trong phát triển du lịch. Vấn đề đặt ra là, “đi cùng nhau” như thế nào để đạt được sự đồng thuận, thống nhất từ nhiều phía; để tìm được hướng đi phù hợp, nhằm thúc đẩy lẫn nhau. Đồng thời, tránh hình thức hay tránh những cam kết trên giấy, mà không đi vào thực tiễn, không được hiện thực hóa thành những sản phẩm chất lượng và không được thể hiện ở những con số tăng trưởng về lượt khách hay tổng thu từ du lịch.
Nguồn: Báo Thanh Hóa/ vietnamtourism.gov.vn