Hoa Lư là mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm, là nơi đặt kinh đô của nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, nơi phát tích 3 triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý thế kỷ thứ X. Hoa Lư lại là huyện bán sơn địa, nơi chuyển tiếp giữa miền rừng núi và đồng bằng, xen kẽ nhiều thung lũng, hang động tự nhiên đã tạo nên phong cảnh thiên nhiên kỳ thú.
Du khách tham quan Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang
Do đó, nơi đây trở thành địa phương có tiềm năng nhất trên địa bàn tỉnh về phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua, huyện Hoa Lư đã tập trung xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Ngành du lịch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch từng bước đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối các tuyến, điểm du lịch được hoàn thiện và thường xuyên được bảo trì. Công tác bảo tồn phát huy các giá trị di tích, di sản đã có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong huyện.
Các hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch được Hoa Lư thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Hằng năm, UBND huyện phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn về bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; chuyên môn nghiệp vụ buồng, bàn, homestay; kỹ năng, nghiệp vụ, việc ứng xử văn minh tại các khu, điểm du lịch cho đối tượng là những người quản lý, người chèo thuyền, thợ chụp ảnh….
Để tăng thêm tính hấp dẫn cho du khách đến tham quan các khu, điểm du lịch, huyện Hoa Lư đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng mở các lớp hát Chèo, hát Văn, thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ phục vụ tại các khu, điểm du lịch, trong các dịp lễ hội. Đây được xem là một trong những hoạt động quan trọng được duy trì thường xuyên nhằm tăng thêm “gia vị” để tăng tính hấp dẫn đối với các sản phẩm du lịch truyền thống của Hoa Lư.
Cùng với đó, Hoa Lư đã làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ cảnh quan di tích và bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Huyện đã hướng dẫn các khu, điểm du lịch thực hiện theo Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Ban hành giá tối đa dịch vụ chở đò trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giá, phí tại các khu, điểm du lịch.
Những năm gần đây, du lịch Hoa Lư đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng với nhiều khu du lịch nổi tiếng: Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động; Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An…
Đặc biệt, ngày 23/6/2014, tại Doha với sự đồng thuận tuyệt đối của ủy ban Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành Di sản hỗn hợp về văn hóa và thiên nhiên thế giới đang thu hút lượng lớn khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Lượng du khách và doanh thu từ du lịch của Hoa Lư đều tăng.
Nếu như năm 2010 đón trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2018 đã đón gần 3 triệu lượt khách; tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2018 đạt 973 tỷ đồng, tăng 815 tỷ đồng so với năm 2010. Điều này không chỉ thể hiện sự tăng trưởng của ngành du lịch mà còn khẳng định chất lượng dịch vụ du lịch của Hoa Lư được nâng lên, đã và đang “níu chân” du khách với nhiều loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí. Sự tăng trưởng của “ngành công nghiệp không khói” đã có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, du lịch – dịch vụ, tạo việc làm cho gần 6.000 lao động ở khu vực nông thôn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, mặc dù du lịch Hoa Lư đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Công tác tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch đã được kiện toàn và ổn định nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định.
Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ, thụ động. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch chưa đồng bộ, chưa tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn có uy tín. Công tác kiểm tra, giám sát và đề nghị xử lý hành vi vi phạm về trật tự xây dựng và kinh doanh lưu trú du lịch trong vùng di sản chưa đồng bộ. Một bộ phận cộng đồng dân cư làm du lịch còn thiếu kỹ năng giao tiếp ứng xử trong phục vụ khách du lịch.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó trong thời gian tới huyện Hoa Lư tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý, phát triển du lịch. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sự phát triển bền vững của du lịch đối với sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của huyện. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch.
Đồng thời thực hiện nghiêm việc quản lý nhà nước, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Quần thể danh thắng Tràng An và các khu, điểm du lịch khác. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trong du lịch, đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc vào phục vụ ở các khu, điểm du lịch và duy trì, nâng cấp một số lễ hội văn hóa dân gian nhằm đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Ngoài ra, Hoa Lư tiếp tục thực hiện tốt các nội dung: quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; liên doanh, liên kết đào tạo nguồn nhân lực…
Nguồn: Báo Ninh Bình