Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng tên tục là Đinh Bộ Lĩnh có công lớn trong sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân, bình định đất nước, là người mở đường của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Ông được thờ ở rất nhiều nơi trên đất nước, nhưng nơi gắn bó với tên tuổi, sự nghiệp của ông hơn cả là đền thờ ông tại quê nhà. Nơi du khách khi đặt chân đến Ninh Bình không nên bỏ qua cơ hội thăm viếng, chiêm bái.

Đến thăm Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, du khách sẽ thấy ở ngay gian giữa  đền vua Đinh có tấm biển ghi ba chữ sơn son thiếp vàng lộng lẫy: “Chính Thống Thủy” (Mở nền chính thống). Với con mắt của các nhà nho xưa, Đinh Bộ Lĩnh được coi như người mở đường cho các triều đại phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam, thống nhất đất nước sau 1000 năm Bắc thuộc và chính thức được “Thiên triều” phương Bắc công nhận là một quốc gia độc lập!

Về Cố đô tìm hiêu Người mở nền chính thống của dân tộc
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng

Đinh Bộ Lĩnh sinh vào khoảng năm 924 ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đinh Bộ Lĩnh là con trai thứ sử Hoan Châu – Đinh Công Trứ, tuy nhiên cha ông mất sớm, tuổi thơ ông lam lũ, là một cậu bé mục đồng gắn liền với những con trâu, những cánh đồng. Thế nhưng, ngay từ nhỏ, trong đám bạn chăn trâu, Đinh Bộ Lĩnh đã thể hiện khí phách hơn người, luôn được chúng bạn tôn làm thủ lĩnh trong những lần chơi trò đánh trận giả.

Năm 944, sau khi Ngô Quyền mất, các sứ quân lần lượt nổi lên, chiếm giữ các nơi, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Giữa lúc binh đao xảy ra liên miên, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng các bạn thuở chăn trâu với mình tập hợp binh lính, xây dựng căn cứ ban đầu tại động Hoa Lư. Nạn cát cứ và nội chiến là nguy cơ hiểm nghèo cho nền độc lập dân tộc, đi ngược lại nguyện vọng hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân. Giữa tình cảnh sống còn của đất nước, cần nhanh chóng khôi phục thống nhất quốc gia, với tài điều binh khiển tướng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành người hoàn thành sứ mệnh lịch sử – Khôi phục thống nhất quốc gia!

Về Cố đô tìm hiêu Người mở nền chính thống của dân tộc
Long sàng đá đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh kéo dài hơn hai mươi năm đầy hiển hách. Thắng lợi của ông là thắng lợi của xu hướng thống nhất đất nước, của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu riêng là Thái Bình, đóng đô ở Hoa Lư. Thông qua việc lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước riêng, lấy niên hiệu riêng, Đinh Bộ Lĩnh đã nâng tầm tự chủ, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc ta.

Ngược dòng lịch sử, trước đó, khi Hai Bà Trưng và Ngô Quyền  dành được chủ quyền dân tộc chỉ xưng “Vương”; Lý Bí và Mai Thúc Loan từng xưng “Đế” nhưng chính quyền độc lập về quy mô và lực lượng còn nhỏ; cha con họ Khúc và Dương Đình Nghệ chỉ xưng là “Tiết độ sứ”. Đến Đinh Bộ Lĩnh chính quyền đã khá mạnh, Đinh Bộ Lĩnh đã xưng “Đế” để sánh với hoàng đế phương Bắc, đặt tên nước là “Đại Cồ Việt” để sánh với “Đại Tống”, lấy niên hiệu là “Thái Bình” để sánh với niên hiệu “Khai Bảo” của nhà Tống. Nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận xét: “Đến khi Đinh Bộ Lĩnh bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ, sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước”.
Về Cố đô tìm hiêu Người mở nền chính thống của dân tộc

Đinh Bộ Lĩnh đã tự khẳng định mình ngang với bất cứ hoàng đế nào của “Thiên triều”, mang lại tinh thần tự chủ đầy hào sảng cho dân tộc, khai mở nền chính thống cho Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Sau Đinh Bộ Lĩnh, các triều đại Lê – Lý- Trần – Lê – Nguyễn, không có triều đại nào trở lại xưng “Vương” hay “Tiết độ sứ” nữa mà theo một dòng chảy chính thống, đều xưng “Đế”, đặt tên nước riêng, lấy niên hiệu riêng. Chính vì vậy, đến thăm đền thờ vua Đinh ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư ngày nay, du khách sẽ được chiêm ngưỡng câu đối lưu truyền từ hàng trăm năm trước:

          Anh hùng vĩ liệt, trác quán hồ Ngô, Trưng, Triệu, Thục dĩ tiền, Đại Việt sơn hà quy nhất thống.

          Thần thánh dư linh, kế tự giả Lê, Lý, Trần, Lê nhi hậu, Tràng An lăng tẩm tự thiên thu.

          (Dịch là: Anh hùng vĩ liệt, hơn hẳn Ngô, Trưng, Triệu, Thục trước đây, Đại Việt non sông quy về một mối.

          Thần thánh dư linh, nối tiếp Lê, Lý, Trần, Lê sau này, Tràng An lăng tẩm vững muôn thu).

Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng kinh đô Hoa Lư xứng đáng với tầm vóc của một đất nước thống nhất, ông đã làm nên điều “vô tiền khoáng hậu”, là một dấu son chói lọi trong nền lịch sử nước nhà, người khai mở cho dòng chảy chính thống của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Nguồn: Đỗ Hằng – XTDL Ảnh: Xuân Lâm