Đây là lễ hội được nhân dân ở quê hương ông huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh, huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình cùng nhiều địa phương khác tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn ông đối với việc quai đê lấn biển, giúp nhân dân khai hoang, lập ấp.

Lễ Hội Đền Nguyễn Công Trứ

Phần lễ gồm các hoạt động dâng hương tại đền thờ Nguyễn Công Trứ xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, thường có sự tham gia của nhiều làng trong huyện Kim Sơn. Đây là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội. Điều độc đáo là lễ hội có sự tham gia của cả người lương và giáo với những nghi thức khác nhau. Xưa kia, tiền thân của ngôi đền là ngôi nhà ba gian Nguyễn Công Trứ làm tại ấp Lạc Thiện, là nơi đi về cũng là nơi làm việc của ông. Năm 1852, nhân dân huyện Kim Sơn xây dựng lại thành ngôi Sinh Từ. hàng năm, cứ đến ngày sinh của ông thì nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội để mừng thọ ông. Năm 1882, sau khi ông mất, ngôi đền được tu sửa lại thành ngôi nhà tiền đường năm gian và đổi tên từ Sinh Từ  sang Truy Tư Từ.

Lễ Hội Đền Nguyễn Công Trứ

Phần hội có hội bơi chải. Ngay từ sáng sớm, trước giờ tế lễ, bên bờ sông Ân, những chiếc thuyền rồng đẹp nhất cùng với những đội đua thuyền đến từ các xã trong huyện đã tập trung ở đây để so tài. Hội bơi chải là một đặc trưng của lễ hội cư dân đồng bằng ven biển. Đặc biệt, trong những ngày lễ đó có những người phụ nữ đến lễ hát với cây đàn đáy, cặp phách đơn giản, họ hát những bài ca trù do Nguyễn Công Trứ viết. Trong phần hội còn có những trò chơi dân gian mang tính trí tuệ, giải trí gắn liền với cuộc đời Nguyễn Công Trứ lúc sinh thời. Đó chính là tổ tôm điếm và cờ người. Các trò chơi như: kéo co, cờ tướng hay các trò chơi mang tính hiện đại như: bóng đá, bóng chuyền cũng đem lại không khí sôi động cho ngày hội./.

Nguồn: Trung tâm TTXTDL