Khi mặt trời còn chưa ló lên khỏi Mã Yên Sơn, đoàn người đi rước nước đã khởi hành từ cổng đền vua Đinh, qua đền vua Lê, sau đó tiến về phía bến sông Hoàng Long. Đoàn rước gồm cỗ kiệu lớn đi đầu được khiêng bởi tám thanh niên khỏe mạnh mang trang phục truyền thống tựa như trang phục lính túc vệ nhà Đinh xưa: áo đỏ, vàng, cổ áo viền xanh, đầu chít khăn theo lối “thủ rìu”. Trên kiệu là hương án, đặt một chiếc bình sứ, ngoài phủ vải điều để đựng nước thiêng. Tiếp sau là đoàn người với lễ phục, áo đỏ nẹp vàng mang cờ ngũ sắc, đi thành hàng đôi. Kế tiếp là phường bát âm, gồm: Đàn, sáo, nhị, mõ, thanh la và cả một phường trống. Phường bát âm cử nhạc réo rắt các làn điệu: Kim tiền, bình bán, lưu thủy, xuân phong, đoàn rước trang nghiêm tiến về phía bờ sông.
Đi sau kiệu rước này là các vị bô lão, quan khách, đại biểu các đoàn thể, đông đảo cư dân địa phương, các đội rồng, đội lân, rồi các cỗ kiệu bát cống có hương án, tán lọng, hương, nến, quả, phẩm song hành, nghiêm trang, chỉnh tề, náo nhiệt. Đi bên mỗi kiệu rước là một vị bô lão vận phục trang lễ nghi dân tộc.
Khi đoàn rước ra tới bến sông,trống chiêng gióng lên từng hồi, âm vang rộn rã, thúc giục. Rồng vàng uốn lượn uy phong trên sóng nước. Sư tử múa dũng mãnh, hả hê. Lúc này mới chớm dịp trung tuần tháng Ba âm lịch, vào giờ Thìn, thủy triều đang lên, bề mặt sông Hoàng Long phong quang, cường thịnh.
Khi đoàn rước ra tới bến sông, trống chiêng gióng lên từng hồi, âm vang rộn rã, thúc giục. Rồng vàng uốn lượn uy phong trên sóng nước. Vị chủ lễ trịnh trọng đọc bản sớ trình xin rước nước. Hai cô trinh nữ trong những bộ áo dài truyền thống nhẹ nhàng, thanh thoát múc nước giữa dòng sông đổ vào chóe để đưa lên kiệu rước trở về đền vua Đinh.
Vị bô lão cao niên được người dân sở tại cử ra làm chủ lễ trịnh trọng đọc bản sớ trình xin rước nước. Hai trinh nữ trong những bộ áo dài truyền thống nhẹ nhàng, thanh thoát múc nước sông đổ vào chóe để đưa lên kiệu rước trở về đền vua Đinh.
Nghi lễ rước nước là một nghi lễ cổ truyền đã tồn tại từ lâu trong nghi thức tế tự của dân gian, phản ánh nghi thức tâm linh của cư dân nông nghiệp lúa nước với ý thức cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống muôn dân no đủ. Đặc biệt, Nghi lễ Rước nước tại Lễ hội Hoa Lư là một lễ thức linh thiêng với ý nghĩa gợi nhớ về một truyền thuyết dân gian ly kỳ hấp dẫn kể về sự tích rồng vàng hiện lên đưa Đinh Bộ Lĩnh sang sông thoát khỏi lưỡi gươm giận dữ của người chú ruột.
Sau nghi lễ rước nước, cùng ngày tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư còn diễn ra các hoạt động thuộc phần lễ như: lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, tế lễ cổ truyền, …và các hoạt động sôi động như biểu diễn múa trống, cồng chiêng, hội trại thanh niên, thi thư pháp, thi kéo chữ “Thái Bình”, thi làm mâm ngũ quả tiến Vua, thi chèo thuyền, vật dân tộc, triển lãm ảnh nghệ thuật “Non nước Ninh Bình”,xây dựng gian hàng quảng bá du lịch Ninh Bình, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản của địa phương,…
Nguồn: Hải Vân – XTDL; Ảnh: Xuân Lâm